Khoảng 5-6 năm về trước, mình bước chân vào nghề viết content với một chút kinh nghiệm viết báo và giấc mộng trụ được với con chữ. Nhưng thế giới content mới mẻ khiến mình bị ngợp vì có rất nhiều loại nội dung, dành cho nhiều nền tảng, đòi hỏi kỹ năng khác nhau và tất nhiên, mức lương cũng không giống nhau. Vì vậy, trước khi bắt đầu nhận job viết bài, tôi dành hẳn một tuần để nghiên cứu những loại hình content đang được sử dụng và để xem mình “chinh chiến” được tới đâu. Dưới đây là các dạng content cho website mình đã đúc kết và đến bây giờ vẫn rất phổ biến.
“Người khổng lồ” SEO
Trong số các dạng content thì có lẽ SEO là người quen của nhiều freelancer nhất. Nhu cầu viết SEO rất cao kéo theo số lượng công việc lớn dành cho những người như chúng ta. Khi mới vào nghề, tôi cũng bắt đầu với SEO. Ưu điểm của viết SEO chính là bạn làm quen được với nhiều lĩnh vực, từ bất động sản đến ẩm thực, từ tài chính đến thời trang. Nếu viết đều đặn, bạn sẽ có được một lượng kiến thức rất phong phú, làm tiền đề cho bạn phát huy trong công việc sau này. Ngày xưa tôi viết SEO cho một công ty truyền thông với số job siêu siêu lớn. Chỉ trong 6 tháng, có lẽ tôi đã viết đến cả ngàn bài đủ thể loại. Đến giờ tôi vẫn biết ơn quãng thời gian này đã cho tôi lượng kiến thức, kinh nghiệm quá lớn, giúp tôi tự tin đi xin job sau này.
Vì SEO là một yếu tố mang tính kỹ thuật nên viết SEO bạn cũng cần tuân thủ một số nguyên tắc như: số chữ của tít, meta, kích thước hình ảnh, tô đậm từ khóa, đi link nội bộ/bên ngoài, mật độ từ khóa, vị trí từ khóa,…Tùy theo yêu cầu của khách hàng, những tiêu chí này sẽ thay đổi một chút nhưng hầu như là vậy.
Theo kinh nghiệm của tôi, trước khi viết SEO, bạn cần đọc kỹ thông tin sản phẩm, thông tin khách hàng để tạo khung cho bài hay còn gọi là outline. Ví dụ: Với từ khóa yoga cho bà bầu, bạn cần chọn các chủ đề liên quan như: Lợi ích yoga cho bà bầu vào 3 tháng cuối thai kỳ, Yoga cho bà bầu – Giải pháp thư giãn trong suốt thai kỳ,…Nói chung 1 từ khóa có thể đưa ra rất nhiều chủ đề, miễn là bạn hiểu về sản phẩm và lĩnh vực đó.
Điểm khó khăn nhất khi viết SEO có lẽ chính là đối chiếu bài với bảng tiêu chí này chứ không phải cách hành văn. Có thể những ngày đầu viết SEO sẽ không dễ chịu lắm nhưng khi viết quen, bạn sẽ thuộc lòng các tiêu chí và chỉ cần tập trung sáng tạo mà thôi. Đến bây giờ nhu cầu viết SEO vẫn cực kỳ lớn nên bạn cứ an tâm là không thiếu job nhé!
“Anh chàng sành điệu” PR
Các bài PR là các nội dung được đăng trên các tờ báo chuyên nghiệp, mang tính quảng cáo nhưng được nhìn dưới góc độ báo chí và cũng sử dụng văn phong báo chí để viết. Dạng bài này có thể nói là khó nếu người viết không thạo cách triển khai một bài báo. Ngoài ra, thông tin của bài PR cũng được duyệt một cách chặt chẽ từ phía khách hàng và tờ báo nên để được đăng bài PR, bạn phải mất khá nhiều công sức. Giống như SEO, PR có thể xuất hiện ở mọi lĩnh vực (vì cái gì cũng cần quảng cáo mà!) nên tôi xin nhắc lại là bạn có kiến thức càng rộng càng tốt để có thể “cân” được mọi lĩnh vực.
Đối với dạng content PR, bạn cần cẩn thận trong việc lựa chọn thông tin, khéo léo trong hành văn để đảm bảo bài viết khách quan, khoe khéo sản phẩm nhưng vẫn để lại ấn tượng. Đây là thách thức tương đối khó vì nhiều bạn bị sa đà vào quảng cáo thuần túy, khiến bài viết trở nên kém hấp dẫn và không thể thu hút, thuyết phục khách hàng, những người bỏ tiền để mua sản phẩm. Đó là lý do vì sao tôi gọi PR là anh chàng sành điệu, từ thông tin, dữ liệu, hành văn đến cách lồng ghép sản phẩm đều phải khéo léo hết mức có thể.
Vì PR và SEO thường bị nhiều bạn mới vào nghề nhầm lẫn nên tôi sẽ viết 1 bài phân biệt giữa 2 dạng này để các bạn không bị nhầm lẫn.
Có thể bạn quan tâm:
Một freelancer có thể tìm việc ở đâu?
Trăn trở freelancer: Làm sao để “sống sót” qua các khoảng lạnh của nghề?
Bạn cần những gì để trở thành một freelancer? (P1)
“Cô nàng dễ thương” Blog
Không hiểu vì sao tôi luôn nghĩ blog là một chốn đầy dịu dàng, dịu dàng với cả khách hàng và người viết. Không cần tuân theo các quy định của SEO hay gồng mình như PR, các bài blog đôi khi là một câu chuyện hoặc những dòng nhật ký nhẹ nhàng. Đối với dạng content này, bạn có thể được “phóng bút” thoải mái hơn chút xíu so với 2 thể loại kia. Tuy nhiên, tùy theo yêu cầu của khách hàng, có khi bạn vẫn phải viết theo từ khóa nhưng không khắt khe như SEO.
Một trong những trang blog tôi khá thích chính là trang của Traveloka. Những bài viết chẳng khác nào một bài review chuyên nghiệp, vừa cung cấp thông tin cho khách hàng, vừa quảng bá được thương hiệu. Những thông tin về trải nghiệm tại các điểm du lịch vô cùng chân thực, tạo nên sự hứng thú cho người đọc với chuyến đi và dịch vụ thương hiệu.
Tuy nhiên nhiều thương hiệu triển khai bài mục Blog như bài SEO nên bạn cũng cần linh hoạt trong cách xử lý bài viết. Tôi cũng gặp nhiều trường hợp như vậy nên tôi cảm thấy ranh giới giữa các thể loại đôi khi cũng không rõ ràng. Điều quan trọng là bạn cần nắm được thông tin cốt lõi của thương hiệu, sản phẩm cũng như giọng văn khách hàng yêu cầu để tạo nên tác phẩm đúng ý khách hàng.
Trên đây là một số chia sẻ của tôi về các dạng content cho website bạn dễ gặp khi đi xin việc. Tôi sẽ cố gắng có thêm các bài phân tích từng loại hay so sánh giữa các thể loại sau này. Bạn cũng có thể tham gia group Xứ Sở Content Freelancer để cùng trao đổi, học hỏi về nghề content nhé!