Chào các bạn! Có lẽ khái niệm freelancer đã chẳng còn xa lạ và rất nhiều trong số các bạn đã, đang dấn thân vào thị trường đầy hấp dẫn nhưng cũng vô cùng khốc liệt này. Nhưng có một điều tôi tin rằng nhiều bạn chưa lường được khi lựa chọn theo nghề này: Đó là công việc có lúc không thường xuyên, vậy làm thế nào để bạn có thể đủ tài chính để vượt qua những giai đoạn khó khăn này? Trong nhiều năm làm việc như một freelancer, tôi đã gặp không ít các bạn nhanh chóng bỏ cuộc khi không tìm được dự án mới hoặc tìm mãi mà không trúng được công việc nào. Sự chán nản, mệt mỏi khiến các freelancer nhanh chóng từ bỏ con đường đã chọn. Chính vì vậy, tôi hy vọng bài viết này sẽ phần nào giúp các bạn khắc phục được khó khăn phổ biến này và tiếp tục tiến bước, gặt hái thành công nhé!
“Nghề nào cũng có lúc thất nghiệp”
Dù là làm tự do hay làm văn phòng thì cũng sẽ có lúc bạn gặp khó khăn, mất việc, thất nghiệp. Vì vậy, hãy chuẩn bị trước tinh thần để đón những đợt sóng này vì nếu không, rất có thể bạn sẽ bỏ cuộc. Tôi đã từng trải qua những cảm xúc này nên tôi cho rằng, không chỉ bạn mới bước vào con đường freelancer, thậm chí cả những người đã có kinh nghiệm đều cần hiểu điều này để có thêm bản lĩnh, thêm “chai mặt” để không bị bất ngờ khi những cơn bão bỗng dưng ập đến.
Các bạn biết đấy, thị trường làm việc tự do vô cùng khốc liệt, dù bạn làm nghề viết content, lập trình, thiết kế,…thì cũng không tránh khỏi những giai đoạn ít việc hoặc không có việc để làm. Hiện nay, agency và freelancer vô cùng nhiều, vì vậy, không có gì ngạc nhiên nếu một ngày, bạn bỗng nhận ra mình rảnh hơn tưởng tượng. Tôi vốn là một content freelancer và luôn phải trong tình trạng chuẩn bị cho sự “thất nghiệp” bất cứ lúc nào. Có những lúc đã hoàn thành gần hết các dự án, tôi đếm trên đầu ngón tay chỉ còn 1-2 job, thậm chí là 1-2 bài nữa để viết, bỗng cảm giác sợ hãi chạy dọc sống lưng. Tuy nhiên, sau này khi kinh nghiệm nhiều hơn, bản lĩnh cũng dạn dày hơn, tôi cảm thấy đây là chuyện bình thường và mình lại phải tiếp tục lao vào những cuộc đua mới.
Luôn luôn có plan B
Điều này là vô cùng cần thiết để các bạn freelancer giảm đáng kể cảm giác chông chênh khi bỗng dưng…bị rảnh. Tuy nhiên, đừng làm việc này khi bạn hết sạch job mà hãy tìm ngay khi bạn cảm thấy công việc đang ít dần. Có một thời gian, thói quen của tôi là liên tục lướt Facebook, truy cập các trang dành cho freelancer để tìm kiếm cơ hội. Đừng ngại inbox khách hàng để hỏi về công việc nếu bạn cảm thấy phù hợp, kể cả khi tin tuyển dụng đã đăng trước đó cả tháng. Đôi lần tôi cũng trúng những job đã đăng tuyển lâu vì đúng lúc họ cần người viết content.
Nếu bạn không muốn phải liên tục tìm việc, thì hãy tự tạo công việc cho mình. Trong đó, bạn có thể làm youtuber, blogger hay tạo một kênh bán hàng online để có thêm thu nhập. Nói cách khác, có thêm một kênh kiếm tiền thụ động là rất lý tưởng, cũng đồng thời tạo động lực để bạn theo đuổi sự nghiệp freelancer. Plan B rất đa dạng, phụ thuộc vào sở thích và định hướng của bạn, tuy nhiên, dù là gì thì hãy luôn chuẩn bị nó nhé!
Tranh thủ thời gian nâng cao kỹ năng
Thị trường sẽ không bao giờ chờ bạn trưởng thành đâu, vì vậy, bất cứ khi nào, bạn cũng nên trau đồi khả năng làm việc của mình để gặp may khi đi deal job. Ví dụ, dù bạn là một content freelancer, nhưng bạn vẫn nên học thêm kỹ năng thiết kế cơ bản, học thêm ngoại ngữ hoặc có thêm kỹ năng bán hàng (Sale) để mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Các nhà tuyển dụng bao giờ cũng mong muốn tuyển được một freelancer đa nhiệm, do đó, những kỹ năng bạn học được sẽ không bao giờ là thừa.
Ngoài ra, một trong những kỹ năng bạn cần trau dồi nhất chính là kỹ năng chốt job thành công. Mặc dù mỗi ngày có rất nhiều tin tuyển dụng xuất hiện trên newsfeed nhưng không phải người nào cũng nghiêm túc cần người. Vì vậy, hãy ưu tiên đến những tin tuyển dụng rõ ràng, mạch lạc về nội dung công việc, quyền lợi và thông tin liên lạc. Đây là một kỹ năng dựa nhiều vào kinh nghiệm và cảm tính của freelancer, vì vậy, tôi sẽ viết một bài chi tiết hơn về kỹ năng chọn job giữa “chợ trời” thông tin hàng ngày.
Những khoảng lặng khi làm freelancer không hề hiếm, nó có thể đến ít hoặc nhiều tùy vào khả năng của bạn. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn nói rằng, khi đang tràn trề cơ hội, hãy biết trân trọng và chuẩn bị cho những lúc ảm đạm. Và đừng quên, những khoảng lặng chỉ là những chặng nghỉ trên cuộc đua bất tận của bạn, hãy luôn tin tưởng, tìm kiếm cơ hội để vượt qua những khó khăn phía trước nhé!
Nếu bạn có câu hỏi hay điều gì muốn chia sẻ, hãy để lại bình luận phía dưới để chúng mình cùng thảo luận nha!