Ở kỳ trước, tôi có điểm ra một số áp lực chính khi bạn thất nghiệp bao gồm áp lực tài chính, áp lực bản thân và áp lực gia đình. Mặc dù chúng rất tồi tệ nhưng đến nước này thì chúng ta chẳng thể làm gì ngoài việc chấp nhận rằng mình đang không xu dính túi và phải chịu những lời mỉa mai của người ngoài và có khi cả người thân nữa. Thôi thì cuộc đời lên voi xuống chó, thăng trầm là chuyện bình thường nên bạn có quyền đắm chìm trong nỗi thất vọng thất nghiệp nhưng đừng quá lâu vì bạn cần dành tâm sức cho việc “lên voi” trong tương lai, đúng không nào? Tôi cũng từng “xuống chó” vài lần nên có kinh nghiệm trong việc cân bằng vấn đề này. Trong bài viết dưới đây, tôi sẽ chia sẻ từ gốc rễ vấn đề để bạn tháo gỡ dần dần. Nguyên nhân vì xử lý vấn đề từ gốc sẽ bền vững và ổn định hơn thay vì bạn cứ lao vào gửi CV và ôm hy vọng rồi lại phải thất vọng. Ok, giờ thì bắt đầu thôi!
Bước 1: Tự nhìn lại bản thân
Đây là bước quan trọng bạn cần làm để vượt qua thời gian thất nghiệp. Nhưng nhìn lại bản thân không có nghĩa là dằn vặt chính mình vì bạn có tự tát mình thì cũng không ai gọi bạn đi làm luôn đâu. Còn nếu bạn nói không có thời gian thì xin chúc mừng, bạn còn được ở nhà dài dài. Cho nên, hãy dành ít nhất 1 tuần để xả stress, giải tỏa cảm xúc (khóc, hét, đi chơi,…) và dành thêm 1 tuần nữa để nhìn nhận lại bản thân và lên kế hoạch cho quãng thời gian tiếp theo.
Thực ra cũng không có gì quá phức tạp đâu, bạn không cần phải chuẩn bị bút sổ hay slide gì hết. Bạn chỉ cần một không gian yên tĩnh để bạn ngồi tĩnh tâm (Đừng nằm nhé vì bạn sẽ ngủ đấy!) và hồi tưởng lại thời gian đi làm của mình. Nhưng mà khoan, hãy từ từ trước khi nhớ lại những bữa tiệc phè phỡn với đồng nghiệp hay những lần tụ tập “nấu xói” sếp, thay vào đó, hãy nhớ về những thành công, thất bại trong công việc, những buổi họp, những lần thuyết trình và cả những cuộc nói chuyện “đáng nhớ” với đồng nghiệp hoặc sếp. Well. việc hồi tưởng này có thể sẽ dễ chịu hoặc không tùy theo trải nghiệm của bạn ở chỗ làm cũ, nhưng dù vậy, bạn vẫn cần vượt qua bước này để soi mình một cách đầy đủ.
Dựa trên những gì đã xảy ra, bạn cần rút ra bài học để tránh được sai lầm tương tự và lặp lại những thành công một lần nữa ở nơi làm việc mới. Để làm được điều này, bạn cần cực kỳ trung thực với bản thân thay vì biện hộ cho những lỗi lầm trong quá khứ. Khi đã xác định tinh thần, bạn cần cố gắng tập trung và nghiêm túc “bới lỗi” bản thân. Nếu bạn nhận ra mình từng có những điểm chưa tốt như thiếu kỹ năng làm việc, thiếu tinh tế khi giao tiếp, quá bốc đồng khi trao đổi với khách hàng,…thì bạn đang đi đúng hướng. Càng review bản thân chi tiết, bạn sẽ càng dễ khắc phục những vấn đề tồn tại và thành công ở nơi làm việc tiếp theo.
Lưu ý đây là bước review bản thân, không phải để bạn dựa vào đó mà dằn vặt, khó chịu và tiếp tục trượt dài trong vòng luẩn quẩn của áp lực thất nghiệp. Nên là, tỉnh táo lên!
Nếu bạn quá tuyệt vọng, thử làm tài xế của Xanh SM sẽ giúp bạn đỡ được bóng đen của sự thiếu hụt tài chính đó. Đăng ký tại: https://shorten.asia/QbnJbTMq
Bước 2: Lên plan khắc phục vấn đề, phát triển bản thân
Sau bước review, bạn cần bắt tay vào việc khắc phục những tồn tại, phát triển những điểm mạnh và bù đắp những gì còn thiếu. Để đạt hiệu quả, bạn đừng vội “rải truyền đơn” CV vì nếu bạn may mắn tìm được việc, bạn vẫn sẽ đi lại vết xe đổ, và sớm hay muộn, bạn lại phải quay lại bước 1. Thay vào đó, mở máy tính lên, lập một kế hoạch để trở thành phiên bản tốt hơn thôi nào.
Không có một mẫu plan nào cố định vì nó phụ thuộc vào thực tế của bạn. Để bám sát tình tình, bạn cần dành 1 cột để nêu tên vấn đề, 1 cột để diễn giải vấn đề, 1 cột giải pháp và 1 cột timeline. Đây là 4 cốt cơ bản mà tôi dành cho bản kế hoạch nâng cấp bản thân của mình. Cả 4 cột này đều có tầm quan trọng như nhau vì chỉ cần một cột không đúng thực tế, con đường bạn đi sẽ bị chệch hướng, khiến cho việc phát triển bản thân gặp trở ngại, thậm chí dẫn đến việc mất thời gian mà không được cơm cháo gì. Nguy cơ này rất dễ gặp nên bạn cần xem xét lại liên tục trong quá trình lên kế hoạch.
Ví dụ, vấn đề thực sự của bạn là khó tập trung, điều đó có nghĩa là do bạn không đủ bản lĩnh để hoàn thành công việc đúng hạn. Nhưng thay vì thành thật, bạn lại nghĩ rằng nguyên nhân là do môi trường xung quanh quá ồn ào hoặc giảm nhẹ bằng việc đổ lỗi cho sếp giao quá nhiều việc. Tóm lại, bạn cần nhìn nhận vấn đề từ phía chủ quan thay vì đổ lỗi cho khách quan. Dù bạn chọn cách nào, đích đến cuối cùng vẫn là giúp bạn trở thành phiên bản tốt hơn.
Bước 3: Nghiêm túc thực hiện kế hoạch đã đề ra
Kế hoạch dù có hay ho đến đâu, nó sẽ vô dụng nếu bạn không chịu thực hiện. Vì vậy, đừng quên đưa nó vào thực tiễn bằng cách rèn luyện mỗi ngày nhé. Hành trình nâng cấp bản thân chưa bao giờ dễ dàng nên hãy bắt đầu bằng một thời gian biểu đơn giản, tránh việc bạn bỏ cuộc vì quá nhiều áp lực.
Dậy sớm để thành công, bạn có thể áp dụng câu này để bắt đầu kế hoạch phát triển bản thân. Đặt đồng hồ lúc 7h sáng, thức dậy để kịp nhìn thấy những tia nắng vàng ươm của ngày mới sẽ khiến năng lượng của bạn được “sạc” đầy. Sau đó, làm một bữa sáng tươm tất và lên list những việc cần làm trong ngày. Dựa vào kế hoạch, bạn cần chia nhỏ mục tiêu và hướng đến những hành động cụ thể. Ban đầu có thể hơi mệt mỏi vì cám dỗ của chiếc giường là không thể phủ nhận, nhưng nếu bạn cứ “lạc trôi” trong chăn ấm đệm êm thì nên dẹp luôn kế hoạch trên đi là vừa.
Nếu bạn cảm thấy không đủ động lực, hãy rủ thêm một người bạn để cùng thực hiện kế hoạch hoặc một mentor đưa ra những lời khuyên hữu ích . Linh hoạt theo điều kiện thực tế là điều cần thiết, miễn là bạn đừng dừng lại.
Cuộc đời có thể có nhiều lối rẽ và thất nghiệp chỉ đơn giản là dừng lại một đoạn hành trình ngắn tại một nơi mà bạn yêu hoặc không yêu. Tóm lại, nó có chút ảnh hưởng nhưng không phải là “end game”, nên hãy ngẩng cao đầu và bước tiếp nào.