Tôi vẫn thường tự nói mình là một freelancer “nửa mùa” vì dù đam mê làm freelancer nhưng tôi vẫn duy trì công việc toàn thời gian. Đôi khi tôi từng nghĩ hay là sẽ chuyển hẳn sang làm freelancer fulltime để thỏa sức tung hoành, tự do lựa chọn job, tự do ngủ nướng và không còn phải đối mặt với những cuộc họp với ông sếp khó tính. Nhưng nghĩ là nghĩ vậy thôi, tôi vẫn chẳng thể từ bỏ cuộc sống như hiện tại vì thực sự mà nói, nó vẫn có gì đó rất cuốn hút, giúp tôi tận hưởng cuộc sống trọn vẹn và lạc quan hơn. Hôm nay tôi muốn chia sẻ một chút về niềm vui khi được làm một freelancer “nửa mùa”, biết đâu bạn cũng có hứng thú giống tôi thì sao?
Bạn được “tận hưởng” 2 thế giới
Phải nói rằng đây là một trong những điều tôi thích nhất khi lựa chọn con đường này. Dù có liên quan chút xíu nhưng công việc toàn thời gian và công việc freelance của tôi hiện tại là tương đối khác nhau. Ban ngày tôi lu bu với những cuộc họp, những kiến thức thức khoa học và cả những vấn đề vĩ mô thì sau khi kết thúc bữa tối, tôi lại được đắm chìm trong thế giới của những thương hiệu, của các bài viết hay cắm cúi sửa một tác phẩm của riêng mình. Tôi chắc chắn rằng các bạn freelancer bán thời gian như tôi cũng đôi lúc cảm thấy thú vị vì cảm giác này – cảm giác như mình sở hữu cả 2 thế giới, nơi mà mình được bộc lộ những mảng tính cách khác nhau, khi nghiêm túc, khi sáng tạo, khi phóng khoáng, khi kín kẽ.
Thậm chí, nhờ duy trì cả 2 công việc một lúc giúp tôi cảm thấy mình có chút gì đó…cuốn hút hơn. Đằng sau hình ảnh nghiêm túc trong bộ quần áo công sở là một tâm hồn nổi loạn, luôn tràn đầy ý tưởng. Không ít người từng rất ngạc nhiên khi biết rằng tôi có cả tá công việc freelance liên quan đến đủ mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Họ cho rằng một nhân viên văn phòng sáng đi tối về thường chẳng có thời gian làm thêm nhưng khi biết tôi như vậy, họ cảm thấy thế giới của tôi phong phú và vui vẻ hơn so với thời gian biểu 9-to-5 nhàm chán.
Bạn bớt áp lực từ công việc
Nghe có vẻ kỳ cục đúng không? Nhưng thực tế tôi cảm nhận rằng càng làm nhiều việc bạn càng bớt áp lực hơn. Đây nhé, khi bạn chỉ có một công việc, bạn chỉ có mối quan tâm là công việc đó nên không tránh khỏi áp lực, mệt mỏi, thậm chí là muốn bỏ cuộc khi đến giới hạn chịu đựng. Cụ thể, nếu như trước kia, sau khi tan sở, bạn sẽ dằn vặt về những lỗi lầm gây ra hôm nay hay ám ảnh mãi về những lời nói nặng nề của sếp. Nhưng nếu bạn làm vài công việc, bạn sẽ có nhiều áp lực hơn nhưng chính điều đó lại khiến bạn cân bằng lại. Bạn sẽ nhanh chóng quên những mệt mỏi, căng thẳng của công việc fulltime để tập trung giải quyết các feedback của khách hàng. Nếu sản phẩm của bạn nhận được nhận xét tốt hay được khách hàng thưởng thêm thì nó lại vô tình trở thành động lực để bạn tiếp tục theo đuổi công việc chính nữa đấy!
Tôi đã từng có thời gian vô cùng chán nản công việc chính của mình. Mỗi sáng thức dậy là mỗi lần tôi suy nghĩ liệu mình có thực sự cần công việc này không? Khi làm việc, đầu tôi chỉ nghĩ đến chuyện khi nào sẽ nghỉ việc, lấy lý do gì xin nghỉ, nghỉ việc rồi sẽ đi đâu,…Tuyệt nhiên không có một chút ý niệm nào về việc cố bám trụ hay cải thiện tâm trạng tốt hơn. Nhưng tôi vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng, đó là môi trường tốt đối với sinh viên mới ra trường như tôi, vấn đề chỉ là tôi chưa thể thích ứng, dễ nản lòng mà thôi. Vì vậy, tôi buộc bản thân tìm ra cách để duy trì hứng thú với công việc. Và cách tôi chọn chính là công tác với một trang báo điện tử. Thông thường, mỗi bài viết của tôi được duyệt sẽ được đăng vào đầu giờ sáng, nhờ đó, mỗi ngày đến cơ quan tôi háo hức hơn vì trông chờ bài viết của mình lên trang. Nhờ đó, hơn 1 năm làm việc của tôi cũng trôi qua suôn sẻ.
Bạn cảm thấy an toàn hơn
Chắc hẳn bạn từng nghe lời khuyên nên duy trì nhiều nguồn thu nhập thay vì phụ thuộc vào một số tiền lương hàng tháng, đúng không? Điều này hoàn toàn chính xác vì khi bạn bị mất công việc duy nhất của mình, bạn sẽ thấy chênh vênh. Nhưng nếu bạn có 2-3 công việc 1 lúc, mất đi một nguồn thu sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống vì bạn vẫn đủ khả năng lo cho bản thân. Tất nhiên, công việc freelance đôi khi không có thu nhập cố định, tháng nhiều tháng ít, nhưng dù sao đó vẫn là cái “cọc” hữu ích cho bạn khi đang chới với giữa dòng nước lũ.
Đặc biệt, trong những trường hợp không may như dịch bệnh (Covid-19), bạn cũng sẽ không rơi vào tình cảnh bế tắc, thất nghiệp lâu dài khi “sơ cua” một công việc thay thế. Đợt dịch bệnh bùng phát, nhiều người bạn của tôi làm trong ngành du lịch, khách sạn đã phải trải qua nhiều tháng thất nghiệp và chìm trong mớ cảm xúc tiêu cực về con đường phía trước. Dịch bệnh theo dai dẳng nhưng tiền tiết kiệm lại có hạn nên dù không rơi vào hoàn cảnh đó nhưng tôi cũng không hề muốn trải nghiệm cảm giác stress này. Đó là lý do vì sao tôi càng tin tưởng vào quyết định của mình dù phải vất vả hay chịu nhiều áp lực hơn khi gồng gánh nhiều công việc một lúc.
Bạn thêm trân trọng các cơ hội
Người ta nói: “Người càng giàu càng chăm chỉ” là hoàn toàn có lý do. Tôi không nói rằng làm freelancer có thể khiến bạn giàu có (giàu hay không còn phụ thuộc vào khả năng và sự kiên điện của bạn!) nhưng tôi khẳng định rằng chính sự cạnh tranh của thị trường này sẽ khiến bạn nhìn những cơ hội với con mắt khác. Đó là sự trân trọng khi đạt được, tiếc nuối khi mất đi và chờ đợi khi chưa chốt được job. Nếu bạn chỉ làm công việc fulltime với mức lương cố định hàng tháng, bạn sẽ không thể hiểu được cảm giác “miếng đến miệng còn rơi” của công việc freelance. Từ đó, bạn sẽ yêu công việc mình đang làm hơn và biết chắt chiu cơ hội kiếm tiền cũng như phát triển bản thân hơn.
Nếu bạn chưa bước chân vào con đường freelance, hãy thử nếu muốn trải nghiệm một thế giới mới. Nếu bạn đã là một freelancer rồi, hãy tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, nhiệt huyết với nghề này và tiếp tục cảm nhận những “món quà” đặc biệt mà nghề mang lại. Đừng ngại comment để chia sẻ những suy nghĩ của mình hoặc muốn mình tư vấn, rất sẵn lòng!