Lựa chọn con đường làm freelancer nghĩa là bạn đã chấp nhận đương đầu với sự cô đơn và bất ổn. Trong khi bạn bè nhận lương mỗi tháng, nhận thưởng mỗi dịp lễ, Tết, còn bạn thì không. Trong khi mỗi sáng thức dậy, họ nghĩ “Mình có nên đi làm không?”, thì bạn nghĩ “Sắp tới làm gì đây? Job sắp hết rồi!”. Nhưng bạn có công nhận là làm freelancer cũng có những cái thú vị riêng phải không? Mà một trong số đó chính là freelancer phải liên tục tìm việc, liên tục thử thách bản thân trong các vai trò mới. Vậy bạn đã biết những nơi tìm việc hiệu quả của các freelancer chưa? Nếu chưa thì hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm các nguồn mà freelancer thường tìm việc nhé!
1. Mạng xã hội
Chắc hẳn đã làm freelancer thì các bạn đã quá quen với nền tảng này nhưng vì nó có quá nhiều tiện ích nên tôi vẫn liệt kê. Hiện nay trên Facebook có rất nhiều hội nhóm việc làm dành cho các freelancer với đủ ngành nghề: viết content, thiết kế, xây dựng website,…Bạn có thể tham gia những group này để nhận được các thông tin tuyển dụng sớm nhất. Vì số lượng freelancer tìm việc ngày càng lớn nên số lượng các nhóm cũng tăng lên đáng kể.
Theo kinh nghiệm của tôi, bạn nên ưu tiên tham gia những nhóm có số lượng thành viên lớn, thông tin cập nhật liên tục. Điều này cho thấy admin của nhóm hoạt động thường xuyên, đăng tin hàng ngày, đảm bảo các freelancer tìm việc có thể tiếp cận được nguồn công việc mới. Tuy nhiên, vì số lượng thành viên đông nên mức độ cạnh tranh cũng sẽ cao hơn. Do đó, bạn cần chuẩn bị tinh thần để cạnh tranh với các đồng nghiệp của mình để nhận được những job phù hợp nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh các nhóm lớn thì bạn cũng đừng bỏ qua các nhóm nhỏ. Theo kinh nghiệm của tôi, tâm lý nhiều người thường tin tưởng những nhóm lớn nên đôi khi những job ngon tại những group nhỏ lại bị bỏ qua. Do đó tôi tham gia gần như tất cả các nhóm việc làm trên Facebook để đảm bảo không bỏ sót bất cứ thông tin nào. Ở thời đại này ai có được thông tin chính là người chiếm ưu thế, vì vậy bạn đừng coi thường những cơ hội dù là nhỏ nhất. Đừng quên ghi vào sổ tay freelancer những địa chỉ có job chất lượng để lần sau tiếp tục tìm kiếm!
Nhưng Facebook không phải là mạng xã hội duy nhất để các bạn tìm việc đâu, hãy tận dụng Twitter, Instagram, Linkedin. Đặc biệt Linkedin là mạng xã hội dành riêng cho tuyển dụng nên chắc chắn sẽ có thông tin phù hợp nếu bạn chịu khó theo dõi.
2. Website việc làm dành cho freelancer
Vì xu hướng làm việc từ xa ngày càng phát triển nên rất nhiều nền tảng tìm kiếm việc làm dành cho freelancer cũng tăng lên. Tại Việt Nam, những nền tảng như vLance, Freelancerviet được rất nhiều người tham gia và tìm kiếm cơ hội. Có lẽ tôi không có duyên với những nền tảng này nên có dùng thử vài lần nhưng chưa tìm được khách nên cuối cùng tôi lại quay về Facebook.
Dù không thể phủ nhận những công việc trên này đều do các khách hàng có nhu cầu thực sự đăng tuyển, do đó, tỷ lệ bùng job, bùng tiền sẽ thấp hơn. Ngoài ra, tất cả các freelancer tham gia tìm việc đều cần điền đầy đủ thông tin cá nhân, trình độ, ảnh cá nhân,…từ đó không có chuyện dùng nick clone như trên Facebook. Tuy nhiên, vì sở hữu đội ngũ tư vấn cùng các dịch vụ khác nên các nền tảng này thường thu phí để các freelancer tìm việc gửi báo giá cho khách. Chi phí sẽ tùy từng bên nhưng cũng không quá đắt đỏ nên bạn cứ yên tâm nhé!
Bên cạnh các trang web của Việt Nam thì các freelancer cũng có thể tìm đến các website nước ngoài để tìm việc. Dù có rất nhiều cơ hội và mức lương cũng cao hơn nhưng đây được coi như sân chơi của các freelancer kỳ cựu, sở hữu trình độ tiếng Anh tốt và có kinh nghiệm giao dịch quốc tế. Tất nhiên nếu các freelancer mong muốn học hỏi hoặc thử sức thì cũng có thể truy cập để khám phá.
Ngoài các nền tảng dành riêng cho freelancer, những trang web tuyển dụng khác cũng thường có mục việc làm online hoặc làm từ xa nên tốt nhất bạn cứ đảo qua. biết đâu lại tìm được cơ hội giữa một biển thông tin. Hãy bắt đầu từ những cổng thông tin tuyển dụng uy tín để tránh các rủi ro không đáng có.
3. Người quen giới thiệu
Theo tôi, những freelancer mới vào nghề nên tận dụng nguồn này để tìm những job đầu tiên. Cách này giảm thiểu rủi ro bị bùng job, bùng tiền khi chưa có kinh nghiệm giao dịch với khách hàng. Các bạn có thể thông qua người nhà, đồng nghiệp, bạn học cũ,…để có những công việc phù hợp. Sau khi có các sản phẩm hoàn thiện, bạn có thể coi đây là kinh nghiệm để tự mình tìm khách cho những job sau.
Có một điều tôi cần lưu ý đó là đối với những job được giới thiệu, bạn cần làm thật tốt, không chỉ để giữ uy tín cho bản thân mà còn giữ uy tín cho người giới thiệu bạn. Có như thế sau này người quen của bạn mới tự tin giới thiệu bạn cho những khách hàng khác được.
Không chỉ có các freelancer mới tìm việc, những freelancer kinh nghiệm, sở hữu mạng lưới của riêng mình cũng có được nguồn job đều đặn nhờ giới thiệu. Bản thân tôi cũng từng được các khách hàng giới thiệu cho nhau nhưng như tôi đã nói, nhận job do người quen giới thiệu sẽ bớt được khâu tìm kiếm nhưng áp lực sẽ nhân đôi nên cũng phải cố gắng rất nhiều. Nhưng dù sao cũng cảm ơn đời vì vẫn cho mình cơ hội được làm việc, hy vọng các bạn sẽ luôn nghĩ như vậy dù nhận được job to hay nhỏ nhé!
Đặc biệt, đối với những job do người quen giới thiệu, bạn cần xem xét kỹ hơn và lượng sức mình xem có đủ sức, đủ kiến thức đảm đương được không. Nếu không phù hợp, hãy can đảm từ chối để giữ hình ảnh đẹp, còn hơn bạn làm bung bét rồi tất cả đều khó xử.
Trên đây là một số nguồn tìm việc mà tôi tóm tắt lại cho các bạn, tôi biết là nó còn khá sơ lược nên tôi ấp ủ viết một bài giới thiệu các group, website cho freelancer tìm việc cũng như các kinh nghiệm tìm việc cho các bạn. Thực tế là ngay cả những freelancer kinh nghiệm cũng có thể bị bùng tiền trong ấm ức và tôi muốn các freelancer tìm việc tỉnh táo hơn để không bị người ta lợi dụng chất xám. Hy vọng rằng tuyến bài này sẽ nhận được sự quan tâm của các bạn, nếu có ý tưởng gì, hãy để lại comment bên dưới cho tôi nhé!