Chào các bạn, kỳ nghỉ lễ của mọi người thế nào, mình thì vẫn làm việc bình thường vì đang khổ quen rồi, sướng không chịu được 😀 Nhưng trong lúc đang lướt Facebook, mình bỗng nhớ ra một chuyện mà mình nghĩ là rất nghiêm trọng và đang cực kỳ phổ biến, đó là lừa đảo qua mạng. Chủ đề này sẽ hơi chệch một chút so với những gì mình lên kế hoạch nhưng không sao, mình nghĩ cảnh báo càng sớm càng tốt để mọi người tránh được những cái bẫy này. Nếu như trong các bài viết trước, mình đã khẳng định thói quen tiết kiệm rất mất thời gian để hình thành thì chỉ cần lơ là một chút, bạn có thể bay sạch số tiền mình tích lũy nếu vướng phải chiêu trò của những kẻ xấu trên mạng. Nào, mình bắt đầu nhé!
1 phút u mê, hệ lụy còn mãi
Cái này là THẬT đó các bạn! Một phút sa chân là đời bạn sa lầy theo khoản nợ này luôn 🙁 Mình có một cô bạn vừa bị mắc bẫy hồi tháng Sáu vừa qua. Bạn ấy cũng là người tỉnh táo, cẩn thận nhưng có câu “Đạo cao một thước, ma cao một trượng”, mình cẩn thận đến đâu vẫn bị kẻ xấu giăng bẫy.
Khi đó, bạn mình đang muốn tìm việc và có đăng CV trên các trang tuyển dụng. Một ngày đẹp trời, một người liên hệ với bạn mình, tự nhận là HR của tập đoàn IT siêu to khổng lồ. Sau đó bạn mình được yêu cầu làm bài test, phỏng vấn 2-3 vòng, tất cả đều online. Sau cùng, bạn mình được mời vào nhóm Telegram để test khả năng tăng doanh số cho khách và mọi chuyện bắt đầu từ đây. Bạn mình tham gia giao dịch và dần bị dụ dỗ, sau cùng bị mất gần 700 triệu đòng. Số tiền quá lớn mà nhiều người chưa bao giờ được cầm tới. Sau biến cố đó, từ một cô gái đang hừng hực khí thế cho những dự án cá nhân, bạn mình phải cày tiền để trả nợ, trả lãi. Có lẽ bạn mình sẽ phải mất vài năm hoặc lâu hơn đẻ trả hết số nợ kia và tiền lãi, thế mới thấy, thủ đoạn lừa đảo qua mạng khiến người bị hại kiệt quệ đến mức nào.
Mấy hôm trước, mình cũng vô tình xem được một clip trên Tik Tok do chính nạn nhân chia sẻ. Chị này là chủ một shop quần áo tại Hà Nội, trong một lần lướt Facebook, chị đọc được tin tuyển dụng mẫu ảnh làm việc tại nhà. Vì cũng là người yêu thời trang, thích chụp ảnh nên chị đăng ký tham gia. Thay vì giao việc đúng như quảng cáo trước đó, những kẻ này dụ chị đặt đơn để tăng doanh số cho nhãn hàng. Mới đầu là những đơn vài trăm ngàn, vài triệu rồi khi đến gần 60 triệu, chị không thể rút tiền ra được. Khi nạn nhân hoảng loạn, những kẻ lừa đảo bắt đầu quá trình thao túng tâm lý, bắt chị phải tiếp tục nạp tiền để có thể lấy lại số tiền bị kẹt bằng vô vàn lý do kiểu lỗi cú pháp, vượt hạn mức hoặc các lý do nhảm nhí khác. Đến khi bay sạch số tiền 1 tỷ rưỡi trong tài khoản tiết kiệm online, chị mới tỉnh ra nhưng đã quá muộn.
Điểm nguy hiểm của những đối tượng này là chúng làm các văn bản, email khá chuyên nghiệp, có đầy đủ dấu đỏ, chữ ký và không hề nôn nóng muốn dụ bạn vào tròng. Vì vậy nhiều nạn nhân bị lừa rồi nhưng vẫn cố chấp tin chúng sẽ trả lại tiền vì “có văn bản đóng dấu mà!?”. Nhưng kết quả thì ai cũng biết, chỉ trong vòng 1-2 ngày, số tiền chúng ta tích góp cả đời hoặc rất nhiều năm sẽ chuyển sang túi người khác.
Để bảo vệ tiền của mình, chuyển ngay vào tài khoản tiết kiệm online nhé: https://shorten.asia/vBmMtHeW
Cảnh báo lừa đảo qua mạng rất nhiều, nhưng sao vẫn còn nhiều nạn nhân?
Vì tò mò, vì tham, vì chủ quan, vì thiếu cảnh giác, vì thiếu thông tin, vì thiếu bản lĩnh thôi các bạn ạ! Chúng ta sẽ tiếp tục phân tích để xem bạn có dính phải một trong những nguy cơ này không nhé!
Thiếu cảnh giác
Bạn nghĩ rằng chỉ vài trăm nghìn thì nếu chẳng may bị lừa cũng không mất quá nhiều, nhưng cái bạn không ngờ là trong chúng ta luôn có một tâm lý – tâm lý hơn thua. Có được rồi lại muốn có hơn, mất rồi muốn gỡ lại, còn thở là còn gỡ. Vì vậy khi bị mất vài trăm nghìn, thay vì dừng lại, bạn tiếp tục gỡ để rồi bay mất hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng nữa. Tóm lại, đừng chủ quan, thiếu cảnh giác để rồi phải ôm hận vì những lỗi lầm lẽ ra có thể khắc phục được.
Thiếu thông tin
Theo mình quan sát, mặc dù thông tin cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo trên mạng đã được đăng tải trên nhiều kênh thông tin: báo chí, truyền hình, Tik Tok. Thậm chí, trên nền tảng Facebook còn có các hội nhóm cảnh báo lừa đảo do chính các nạn nhân lập nên. Nhưng đáng buồn là vẫn có nhiều nạn nhân bị sập bẫy, thậm chí là sập bẫy lần thứ 2, thứ 3, mất đến khi nào nhẵn túi mới ngừng chuyển tiền, mới chấp nhận bị lừa. Thực sự vô cùng đau lòng!
Thiếu bản lĩnh
Nếu như bạn nghĩ bạn đã đọc về các chiêu trò lừa đảo và tin rằng mình thừa sức vượt qua những thủ đoạn thao túng tâm lý thì có lẽ bạn đang đánh giá hơi thấp những mạng lưới tội phạm này. Ở trên mình đã nói rất nhiều người bị lừa nhiều người với cùng một thủ đoạn hoặc bằng các hình thức khác. Bên cạnh sự thiếu thông tin, họ còn thiếu bản lĩnh. Thiếu bản lĩnh để tìm người khác giúp đỡ, thiếu bản lĩnh để đối diện với sự nhẹ dạ cả tin của mình. Thử hỏi, nếu lúc đó họ đặt điện thoại xuống, hỏi người thân, bạn bè một câu, liệu họ có bị thao túng như vậy không? Nhưng rất tiếc, họ đã chọn im lặng tự giải quyết rồi cũng tự mình phải gánh những khoản nợ lớn nhỏ.
Cuộc đời vốn không có chữ “Nếu” nên dù làm gì, xin bạn hãy cẩn trọng để bảo vệ thời gian, tiền bạc của chính mình. Ngay cả khi bạn chấp nhận giải quyết một mình, hệ lụy của nó đối với gia đình bạn vẫn rất khó lường. Tuổi 30 rất nhiều áp lực, rất nhiều nỗi niềm, đừng vì bất cẩn mà khiến cuộc sống nặng nề thêm!