Bạn có công nhận với tôi rằng, câu chuyện quản lý chi tiêu cá nhân lúc nào cũng…rất dài không? Tất nhiên là vì nó khó, không phải vì chúng ta có quá ít hay quá nhiều tiền để chi tiêu mà chúng ta thường không kiểm soát được bản thân trước những cám dỗ của việc tiêu tiền. Đã bao giờ bạn tạm thời gạt mục tiêu tích lũy sang một bên vì cơn thèm trà sữa chưa? Tôi thì thường xuyên vì tin rằng một ly trà sữa xinh xắn cute sẽ chẳng thể nào làm tôi sa lầy vào bẫy tiêu tiền được. Nhưng bạn biết đấy, một lỗ rò nhỏ xíu có thể làm đắm một con tàu khổng lồ và tôi đã học được bài học chi tiêu sau khi thất bại ở kế hoạch tích lũy đầu tiên.
Chi tiêu không chỉ là một hành động, đó còn là một cuộc chiến!
Nghe có vẻ ghê gớm thế thôi chứ nó thực sự là vậy đó, đặc biệt là với những người quen vung tay quá trán. Thật vậy, để chi tiêu hợp lý, bạn phải trải qua một quá trình “tu thân” tương đối gắt gao bao gồm các bước như: ghi chép chi tiêu, phân biệt sự muốn và sự cần, tuân thủ tiết kiệm kỷ luật và hơn cả là tỉnh táo trước những cái bẫy cảm xúc.
Đối với các bước này thì việc ghi chép chi tiêu có thể coi là nhiệm vụ dễ nhất nhưng cái bẫy cảm xúc lại vô cùng cân não. Ví dụ, khi bạn down mood, bạn có sẵn sàng chi 40K-50K cho một ly trà sữa không? Nếu câu trả lời là có, thì bạn giống với đa số mọi người, nhưng nếu câu trả lời là không thì xin chúc mừng, bạn đã phần nào chế ngự được đứa trẻ cảm xúc bên trong mình. Tất nhiên, ví dụ này sẽ hơi khiên cưỡng vì bạn hoàn toàn có thể tự thưởng cho mình một ly trà sữa sau một thời gian mệt mỏi. Nhưng nếu nó diễn ra quá thường xuyên thì đó là dấu hiệu bạn đang viện cớ chiều chuộng bản thân để vung tay quá trán.
Ngoài ra, quản lý chi tiêu thất bại cũng đến từ việc bạn không phân biệt được cái gì mình muốn và cái gì mình cần. “Cần” là những cái thiết yếu, không thể không có tùy theo nhu cầu, công việc của bạn, còn “muốn” là những thứ bạn thích, tưởng rằng bạn sẽ cần nhưng thực tế thì không. Kết quả là những thứ bạn cần bạn sẽ dùng tối đa, còn những thứ bạn muốn, bạn chỉ “thị tẩm” vài lần rồi tống vào “lãnh cung”. Những bạn gái đam mê mua quần áo chắc chắn sẽ hiểu được tình trạng này khi dù đi làm nhiều năm, có thể bạn chưa để dành được bao nhiêu nhưng đã gom được một đống quần áo. Trong số đó, có nhiều cái bạn chưa từng xỏ tay một lần.
Như vậy, chi tiêu không chỉ là một hành động và quản lý chi tiêu cũng không đơn giản là ghi chép, đó thực sự là cuộc đối kháng giữa cảm xúc và lý trí. Nói cách khác, nó đòi hỏi ở bạn sự bản lĩnh, kiên định và liên tục cố gắng. Mặc dù cái đích tự do tài chính có thể còn xa xôi, nhưng kiểm soát được chi tiêu là một trong những viên gạch giúp bạn vững bước trên hành trình tìm được tự do đích thực.
Nếu chưa có plan chi tiêu, hãy thử dùng một cuón sổ tiết kiệm có túi zip, bạn sẽ không thất vọng đâu: https://shorten.asia/u18yMUpk
Có thể bạn quan tâm:
- Cơn mưa “thất nghiệp” của bạn đã tạnh chưa?
- Đừng rơi vào bi kịch vì mắc bẫy lừa đảo qua mạng!
- [Chuyện 30] Tuổi 30 có quá muộn để tiết kiệm tiền không?
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chi tiêu không kiểm soát?
Tùy theo khả năng “vung tay” của bạn, mức độ nghiêm trọng của hậu quả sẽ thay đổi. Nhưng đừng vì thế mà hoang mang, bạn cứ đọc tiếp vì tin tôi đi – mọi vấn đề đều có cách giải quyết.
Kiệt quệ về thể chất và tinh thần
Nghe có vẻ đáng sợ chứ thực ra là nó đáng sợ thật nha! Tiền không phải là tất cả nhưng không có tiền thì vấ vả, thế thôi. Chỉ riêng việc lao động quần quật, không được nghỉ ngơi cũng đủ vắt kiệt sức sống của chúng ta. Thử tưởng tượng xem, bạn nhận mức lương văn phòng cơ bản nhưng sức chi tiêu thì vô hạn, sớm muộn bạn cũng rơi vào tình trạng rỗng túi và đây là lúc bạn nhận ra chân lý “người nghèo thường gặp xui xẻo”.
Khi bạn không có tiền, trùng hợp là gia đình hoặc bản thân bạn lại bị bệnh, cần tiền chữa trị. Khi bạn viêm màng túi, lại đúng lúc chiếc xe, điện thoại hay một món đồ nào đó bị hỏng, nếu không sửa, cuộc sống của bạn sẽ hoàn toàn bị đảo lộn. Hoặc nhẹ nhàng hơn, khi bạn không xu dính túi, bạn lại có ý tưởng kinh doanh hoặc có cơ hội làm giàu, cần tiền vốn để triển khai. Nói chung, khi tiêu pha quá mức, bạn có thể lâm vào tình cảnh bối rối, tiến thoái lưỡng nan khi đối mặt với nguy cơ. Chắc bạn không muốn trải qua cảm giác dằn vặt, day dứt này phải không?
Bỏ lỡ những cảm xúc tuyệt vời
Dù bạn đã 30 hay vẫn còn 20+ thì bạn cũng đã trưởng thành. Người trưởng thành không chỉ có trách nhiệm với bản thân mà còn với gia đình, và để làm được điều đó, bên cạnh tinh thần trách nhiệm, bạn cần có tiền. Tin tôi đi, cảm giác biếu bố mẹ một khoản tiền tiêu Tết hay một món quà nhỏ cuối tháng từ tiền tiết kiệm là cảm giác không thể tuyệt vời hơn. Nó cho thấy chúng ta đã lớn, đã kiếm được tiền và gánh đỡ bố mẹ một phần gánh nặng cuộc sống. Dù làm công việc gì, chịu đựng vất vả ra sao hay áp lực thế nào, cuối cùng chẳng phải vì muốn những người thân yêu có cuộc sống tốt hơn sao? Nếu bạn đã có gia đình, quản lý chi tiêu hợp lý lại càng quan trọng vì đằng sau bạn còn những em bé đang tuổi ăn học, một người chồng/vợ cần một điểm tựa. Đừng bao giờ ỷ lại, hôn nhân là nương tựa vào nhau, cùng nắm tay nhau đi đến tận cùng hạnh phúc nên dư dả tiền bạc là phương tiện giúp con đường bạn đi bằng phẳng và bớt nhiều mâu thuẫn hơn.
Bị bùa vây bởi những áp lực vô hình
Áp lực tạo nên kim cương, nhưng điều này chỉ đúng với carbon thôi, con người thì chưa chắc. Chẳng ai muốn một cuộc sống quá nhiều áp lực nhưng đáng tiếc, áp lực là điều hiển nhiên và thay vì trốn tránh, mỗi chúng ta phải biết cách dung hòa để “sống chung với lũ”. Nếu bạn là người yêu thích việc tiêu tiền thì xin chúc mừng, bạn đang tự khiến những áp lực sẵn có trở nên nặng nề hơn.
Với một công việc văn phòng bình thường, mức lương vừa phải, nhưng mức chi lại cỡ người siêu giàu thì thử đoán xem, áp lực công việc của bạn sẽ lớn đến mức nào? Khả năng cao là bạn sẽ không dám nghỉ việc, đồng nghĩa với việc phải chấp nhận sức ép từ sếp, đồng nghiệp khiến mỗi ngày đi làm nặng nề hơn. Chưa kể, áp lực từ việc đu trend thời trang, sử dụng hàng hiệu,…lại càng khiến bạn khó buông bỏ công việc hơn. Và nếu không may bạn bị sa thải, áp lực cơm áo gạo tiền, nhu cầu cá nhân, trách nhiệm với gia đình sẽ đánh gục bạn dần dần.
Trên đây là một số điều tôi muốn nói về quản lý chi tiêu cá nhân và hậu quả khi bạn để những con số này vượt quá tầm kiểm soát. Biết rằng bạn kiếm được tiền và bạn có quyền sử dụng nó tùy ý nhưng đừng để nhận ra lợi ích của thói quen quản lý chi tiêu khi đã quá muộn vì phòng bệnh lúc nào cũng hơn chữa bệnh.