Xin chào mọi người, hôm nay chúng ta sẽ đến với một chủ đề rất quen thuộc về tài chính cá nhân – Tiết kiệm tiền. Tiết kiệm tiền vốn dĩ không mới vì thế hệ ông ba cha mẹ chúng ta đã làm bao năm nay rồi, nhưng tại sao ở thế hệ chúng ta, tiết kiệm tiền vẫn là một nỗi trăn trở? Đôi khi lướt qua các trang báo, tôi vẫn thấy những tít bài kiểu: “30 tuổi chưa có nổi 100 triệu là thất bại”, “Hối hận vì không tiết kiệm tiền sớm”, hay “Không có tiền tiết kiệm, tôi cảm thấy chênh vênh”, bla bla. Vậy thì trong series “Chuyện 30“, tôi cũng xin có vài điều chia sẻ về vấn đề tiết kiệm tiền dựa trên kinh nghiệm cá nhân. Hy vọng rằng bên cạnh những lý thuyết cứng nhắc, góc nhìn của tôi sẽ giúp các bạn có thêm lựa chọn và cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi nghĩ đến tiết kiệm tiền.
Rất nên tiết kiệm tiền trước tuổi 30
Chắc chắn rồi, tiết kiệm tiền là một thói quen tốt nhưng để duy trì nó lại là điều không đơn giản. Ngày xưa tôi cũng đua đòi bạn bè nuôi lợn đất nhưng được vài ba hôm lại cầm nhíp gắp tiền ra tiêu. Vì thế bản chất tiết kiệm tiền không hề phức tạp, nhưng để tuân thủ một cách đều đặn, kỷ luật thì không phải ai cũng làm được. Trước 30 tuổi chính là cơ hội để bạn rèn luyện thói quen này vì hấu hết chúng ta nhận được mức lương vừa phải khi ra trường, chưa phải đóng góp quá nhiều cho gia đình và có thể chưa có người phụ thuộc.
Với số tiền không quá lớn, bạn hoàn toàn có thể tập cách phân chia ngân sách và để ra một khoản tiết kiệm nho nhỏ hàng tháng. Nhìn xa một chút, đây không chỉ là giai đoạn để bạn rèn luyện một thói quen mà còn là rèn luyện bản lĩnh của bạn trước tiền bạc. Bản lĩnh đó chính là khi bạn quyết tâm không đụng đến tiền tiết kiệm hay cương quyết dành một số tiền cố định vào tài khoản tiết kiệm hàng tháng, không ít hơn hay nhiều hơn. Như vậy, dần dần, bạn có thể bình thản khi nghĩ đến chuyện tiết kiệm và không có suy nghĩ rút tiền tiết kiệm để chi tiêu. Thay vào đó, bạn sẽ học cách kiềm chế những nhu cầu cá nhân không cần thiết.
Tôi cũng đã học cách tiết kiệm tiền trước năm 30, cụ thể là khi tôi còn ngồi trên giảng đường đại học. Ngày đó, đồng lương làm thêm chỉ vài trăm ngàn nhưng tôi cũng cố gắng để dành khoảng 100.000-200.000/tuần để phòng trường hợp cần đến. Lâu dần, tôi không còn “vật vã” khi nghĩ đến khoản tiền đang nằm im trong tài khoản này, ngược lại, tôi có thêm động lực làm nó tăng lên nhiều hơn. Vì vậy, tôi đã tích cực đi làm thêm, giành học bổng để cho thêm vào quỹ tiết kiệm.
Nhưng sau tuổi 30 vẫn không muộn
Mặc dù tiết kiệm tiền từ sớm là điều tốt nhưng không có nghĩa sau 30 tuổi chúng ta không thể bắt đầu tiết kiệm tiền. Tôi thích câu nói “Tuổi 30, cuộc sống mới thực sự bắt đầu” và việc tiết kiệm tiền cũng vậy, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu. Thậm chí bạn còn sở hữu những ưu thế mà những người tuổi 20 không thể có được. Đó là mức lương cao, nhiều kinh nghiệm sống và những bài học từ sai lầm trong quá khứ. Những điều đó vẫn đủ để bạn khởi động kế hoạch tài chính của riêng mình khi bước vào ngưỡng cửa 30. Tuy nhiên, tuổi 30 chắc chắn là trễ hơn tuổi 20, nên bạn cần xác định phải thật kỷ luật nếu không kế hoạch của bạn có thể sẽ “phá sản” ngay khi mới bắt đầu.
Thực tế, nhiều bạn dành cả thanh xuân để hưởng thụ theo kiểu “có đồng nào xào đồng ấy”. Tất nhiên, việc enjoy cuộc sống là nhu cầu chính đáng nhưng ở tuổi 30, mọi thứ đã thay đổi. Cha mẹ bạn đã già hơn, bạn đã có người phụ thuộc (vợ con) hay đơn giản là kinh tế sau đại dịch đang ngày càng khó khăn, “bão” sa thải đang rình rập. Vì vậy, đây là thời điểm tốt nhất để bạn tiết kiệm để dự phòng rủi ro trong xu thế đầy biến động hiện nay.
Ở thời điểm này, bạn hãy bắt đầu chậm để rũ bỏ dần dần thói tiêu hoang. Không cần quá đao to búa lớn, bạn hãy sắm cho mình một cuốn sổ theo dõi chi tiêu. Mỗi ngày bạn dành khoảng 15-30 phút để ghi chép các khoản thu, chi thật chi tiết. Khi bạn càng ghi chép chi tiết, bạn sẽ không bị rơi vào tình trạng không hiểu tiền đi đâu mất. Bạn không cần mất công nghiên cứu layout đâu, cứ order 1 quyển trên Shopee là đủ (nếu bạn cần thì có thể tham khảo tại đây nhé). Tốt nhất là bạn nên mang theo cuốn sổ này thường xuyên để có thể kịp thời ghi chép các khoản thu chi của mình. Cách này giúp bạn tránh nguy cơ quên một số khoản vì số tiền không quá lớn.
Ngoài ra, bạn cũng nên thận trọng hơn trong các quyết định như nhảy việc vì sở hữu một dòng tiền đều đặn sẽ giúp mục tiêu tiết kiệm của bạn dễ thành công hơn.
Suy cho cùng, tiết kiệm tiền là một hành trình dài, có thể sẽ hơi chút tẻ nhạt nhưng phần thưởng sẽ không làm chúng ta thất vọng. Nếu bạn đã có một kế hoạch tiết kiệm từ sớm và đang tuân thủ kỷ luật, xin chúc mừng bạn. Còn nếu bạn đang loay hoay để khởi đầu một kế hoạch mới, hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm ý tưởng mới, cảm hứng mới để bắt đầu nhé!
Series “Chuyện 30” sẽ được đăng tải vào thứ 7 hàng tuần, hy vọng những bài viết sẽ phần nào giúp các bạn bước vào ngưỡng cửa tuổi mới thật đáng nhớ!