Đã làm freelancer, điều hạnh phúc nhất có lẽ không phải dậy sớm đi làm, chen chúc trên những đoạn đường tắc hay đơn giản là không còn phải chịu những áp lực của chốn công sở. Nhưng làm tự do thì vẫn là làm việc, chỉ khác là được tự do trong giờ giấc, địa điểm và cách quản lý mà thôi. Thực tế, đây vừa là thuận lợi vừa là thách thức cho các freelancers vì không phải ai cũng có thể “tự quản” thành công. Với khoảng hơn 5 năm kinh nghiệm làm freelancers, tôi cũng may mắn được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong nghề và đặc biệt là những bài học “đau nhưng thấm” trong việc tự quản lý công việc của mình. Nếu bạn đang muốn trở thành một freelancer, mới trở thành freelancer hoặc là một freelancer lâu năm, hy vọng bài viết của tôi sẽ cho bạn thêm một góc nhìn mới mẻ để có thể sắp xếp công việc hợp lý hơn!
Làm việc tại nhà: Môn thể thao mạo hiểm
Khi làm việc tự do, nhà trở thành nơi làm việc chính của nhiều freelancer. Làm việc ở nhà có rất nhiều lợi ích cho freelancer như tiết kiệm chi phí thuê văn phòng, giúp freelancer dễ dàng quán xuyến việc nhà, chủ động được thời gian sinh hoạt cá nhân,…Tuy tôi không phải một freelancer full-time nhưng tôi vẫn làm việc tại nhà vào buổi tối và các ngày cuối tuần và tôi công nhận làm việc ở nhà là cách tối ưu nhất đối với hầu hết các freelancer. Đây cũng là lý do tôi đầu tư khá nhiều vào set up không gian làm việc tại nhà để tạo cảm giác hứng khởi mỗi khi làm việc (đây cũng là góc yêu thích nhất của tôi trong nhà!). Thích là thế nhưng làm việc ở nhà cũng không hẳn là hoàn toàn có lợi.
Đầu tiên phải kể đến là nhà là nơi vô cùng thân thuộc với tất cả mọi người nên việc ngày nào cũng làm việc trong không gian này sẽ dễ gây ra stress. Thử nhớ lại khoảng thời gian bị cách ly xã hội do Covid-19, sự stress này cũng tương tự nhưng không bí bách bằng. Tôi cũng từng không muốn ngồi vào bàn làm việc vì quá ngán ngẩm không gian sống hàng ngày, thèm được có người trò chuyện, thèm cảm giác tụ tập ăn vặt với đồng nghiệp. Nguy hiểm hơn, bàn làm việc lại quá gần với giường ngủ nên đôi lúc, tôi lôi laptop lên giường làm việc và ngủ lúc nào không hay. Nếu không ngủ, tôi cũng không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của chiếc giường mà ngả lưng mỗi lúc muốn nghỉ ngơi. Lâu dần, tôi cảm thấy bản thân trì trệ khá nhiều vì mình bị tách khỏi nhịp làm việc như khi đi làm tại công sở. Nhưng với một đứa thiếu nghị lực như tôi thì thế, còn tôi biết vẫn có nhiều bạn freelancer làm việc tại nhà nhưng vẫn cực kỳ hiệu quả nên cũng không có gì là tuyệt đối.
Quán cà phê? Tạm được thôi!
Nhìn qua thì quán cà phê cũng là một địa điểm không tồi để các freelancer làm việc, nhưng nhìn kỹ thì cũng không lý tưởng lắm. Đơn giản vì quán cà phê là địa điểm kinh doanh, có nhiều người ra vào, tiếng ồn và không khí sẽ bị ảnh hưởng (mùi thuốc lá, mùi cà phê, mùi đồ ăn), gây ảnh hưởng đến sự tập trung của các freelancer. Tôi cũng từng vác laptop ra một quán trà sữa để làm việc và cảm thấy quán xá không bao giờ là nơi thích hợp để làm việc. Tôi cũng từng đọc được một số freelancer phàn nàn rằng quán cà phê quá ồn ào, không thể chú tâm làm việc, nhưng vấn đề nằm ở chúng ta chứ không phải quán cà phê và các khách hàng khác. Chúng ta không thể đề nghị người đến quán cà phê nói nhỏ hoặc đòi chủ quán sắp xếp cho mình một chỗ ngồi yên tĩnh vì đơn giản đó không phải nơi để làm việc, mà là nơi để thư giãn, xả stress, tụ tập bạn bè.
Mặc dù vậy, làm việc ở quán cà phê cũng rất “chill” nếu bạn may mắn đến đúng lúc quán vắng, được ngồi bên ban công, lắng nghe tiếng gió và nhìn ngắm dòng người “vội vàng lướt qua”. Lưu ý rằng cơ hội này không có nhiều nên tốt nhất bạn đừng coi quán cà phê là nơi làm việc thường xuyên vì sự ồn ào và giá nước cũng không hề rẻ.
Làm việc tại co-working space: Duyệt!
Sau nhiều lần tìm kiếm nơi làm việc lý tưởng, tôi cảm thấy co-working space là địa điểm làm việc thích hợp nhất dành cho các freelancer vì nó được tạo ra để làm việc. Ấn tượng đầu tiên của tôi về co-working space chính là không gian rất mở, tạo được hứng khởi làm việc cũng như có tính kết nối cao. Dù là một freelancer nhưng khi làm việc tại co-working space, tôi không hề cảm thấy cô đơn mà thay vào đó là cảm giác hưng phấn khi nhận ra mình có rất nhiều “đồng đội”. Họ có thể làm cùng ngành, khác ngành nhưng đều tụ họp tại đây và cùng làm việc. Mỗi khi mệt mỏi, tôi rời khỏi màn hình và nhận ra con đường mình chọn không hề đơn độc, có rất nhiều anh chị em cũng đang đi cùng tôi trên hành trình này. Tin tôi đi, đặc điểm này thực sự có khả năng chữa lành nếu bạn đang mất phương hướng đấy!
Bên cạnh phương diện cảm xúc, co-working space được thiết kế như một văn phòng làm việc lớn với bàn ghế, ánh sáng đúng tiêu chuẩn, giúp các freelancer yên tâm làm việc. Ngoài ra, hầu hết các co-working space đều miễn phí nước, cà phê, có khu pantry nên các freelancer có thể chủ động ăn uống trong quá trình làm việc. Một điểm tôi khá thích ở co-working space chính là có nhiều phương án lựa chọn cho freelancer, bạn có thể chọn một chỗ cố định hoặc chỗ ngồi linh hoạt. Tôi thì thích chỗ ngồi cố định hơn vì dù bạn đến giờ nào thì vẫn có một chỗ dành riêng cho mình, không cần mất công tìm chỗ mới.
Cuối cùng là mức giá cho chỗ ngồi tại co-working space rất hợp lý. Nếu bạn chọn co-working space phân khúc cao thì mức giá sẽ dao động trên dưới 2 triệu đồng/tháng, còn các co-working space phân khúc thấp hơn thì chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, bạn nên chọn co-working space có vị trí thuận tiện, dễ dàng di chuyển, nếu gần nhà thì càng tốt để đảm bảo bạn không ngại di chuyển.
Nếu bạn là một freelancer, việc giữ kỷ luật và cảm hứng làm việc là vô cùng quan trọng, và một nơi làm việc thích hợp chắc chắn sẽ giúp bạn rất nhiều. Vậy bạn theo team làm việc tại nhà, ra quán cà phê hay chọn một chỗ tạo co-working space? Dù bạn chọn nơi nào thì hãy luôn nhớ rằng, chỉ cần bạn cảm thấy thoải mái, đó chính là nơi làm việc tốt nhất dành cho bạn!