Trong bài viết trước, mình đã chia sẻ với các bạn một số dạng content phổ biến cho website. Hôm nay, mình sẽ viết về các dạng content trên mạng xã hội. Hiện nay, mạng xã hội đang là kênh content phổ biến vì ai cũng biết mức độ lan tỏa và kết nối của mạng xã hội lớn đến mức nào. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn ưu tiên content trên kênh này hơn nhằm tăng tương tác, doanh số và nhận diện thương hiệu.
Do đó, trước khi trở thành content freelancer, bạn nên nắm được các dạng content này để có thể trau dồi để có thể đáp ứng yêu cầu khách hàng. Kéo ngay xuống dưới để khám phá các dạng content này nhé!
Bài đăng Facebook
Có thể nói Facebook là kênh truyền thông không thể thiếu của các doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc nhu cầu viết content cho kênh này cũng tăng lên rất cao. Thông thường, các thương hiệu sẽ lập các fanpage để quảng bá và nhiệm vụ của các content creator chính là sản xuất các bài đăng để duy trì độ hot của fanpage. So với website, các bài viết cho fanpage Facebook có sự khác biệt đáng kể.
Đầu tiên phải kể đến dung lượng. Bài viết cho fanpage thường sẽ ngắn hơn rất nhiều so với website. Nếu bạn có thể viết bài từ 1000 – 3000 từ cho website nhưng chỉ có thể viết 100 – 200 từ cho fanpage. Nguyên nhân vì newsfeed lúc nào cũng chật chội và mọi thương hiệu đều muốn lọt vào tầm mắt khách hàng nên yếu tố hấp dẫn, ngắn gọn, xúc tích luôn được đặt lên hàng đầu.
Chắc chắn bạn đã gặp không ít các post Facebook chỉ có vài dòng nhưng lại rất hấp dẫn, kiểu GIẢM GIÁ SẬP SÀN, BÁN CẮT LỖ,…khiến bạn phải click vào xem giá ngay. Dù bạn không đặt hàng thì hành động like, comment, “chấm” của bạn cũng giúp họ tăng tương tác.
Ngoài dung lượng, bài viết trên fanpage cũng cần sử dụng các loại icon để bài thêm sinh động. Theo mình thấy thì icon khá có tác dụng vì content không chỉ cần hay mà còn đẹp và icon đã làm tốt nhiệm vụ này.
Đối với Facebook, còn một loại content khá quan trọng khác chính là content ads, nghĩa là những bài dành để chạy quảng cáo. Những dạng này có nhiệm vụ thúc đẩy doanh số hoặc tăng nhận diện thương hiệu. Theo kinh nghiệm của mình, những dạng này cần giật tít cực mạnh để đẩy cảm xúc hưng phấn hoặc cảm động của khách hàng lên cao nhất. Từ đó, bài viết sẽ có thêm tương tác nên bài ads sẽ có giá cao hơn bài post thông thường.
Bài đăng Instagram
Nhắc đến Facebook mà không nói đến Instagram sẽ là một thiếu sót to đùng. Cũng nhờ viết content trên nền tảng này mình mới bắt đầu làm quen với Instagram. Về nền tảng này thì mình nhận xét là nội dung cần siêu ngắn nhưng cũng phải ấn tượng. Đôi khi chỉ là 1 dòng story thôi nhưng cũng phải gắn kết với sản phẩm bạn muốn quảng cáo.
Có lần mình viết bài Instagram cho một thương hiệu thời trang và hầu như các story đều viết theo phong cách mơ mộng, dễ thương để hợp với phong cách của hãng. Nhìn chung, mình thấy viết cho Instagram cần chắt lọc hơn so với Facebook vì đây là ứng dụng nghiêng về ảnh hơn là text. Vì vậy, các thương hiệu có xu hướng đầu tư cho ảnh nên content càng cần xoáy vào sản phẩm để thu hút người xem.
Mình chưa có quá nhiều kinh nghiệm với Instagram nên không lạm bàn quá nhiều. Tuy nhiên, xu hướng quảng cáo trên kênh này đang ngày càng lớn nên các bạn đừng quên theo dõi để thích ứng dần với xu hướng này nhé.
Có thể bạn quan tâm:
[Tự học content] Một số dạng content bạn dễ “chạm trán” khi đi xin việc
Nhận job giá “bèo”: Đừng nghĩ mình bị bóc lột, bạn đang rất lời đấy!
Một freelancer có thể tìm việc làm ở những đâu?
Bài đăng Youtube
Đối với Youtube thì thông thường bạn sẽ được giao viết content làm video, một dạng kịch bản cho người dựng video và người đọc dựa vào đó để thực hiện video. Tùy theo độ dài của video thì bạn sẽ được giao vài với số chữ tương ứng. Mình thường đảm nhận các video khoảng 10 phút nên số chữ sẽ khoảng 1800 – 2000 từ. Dung lượng này tương đối dài nên bạn cần xác định cần dành kha khá thời gian cho bài viết.
Vì là bài viết để đọc nên giọng văn không cần quá trang trọng, bạn hoàn toàn có thể sử dụng văn nói, thậm chí hơi nhây một chút. Khách hàng của mình thích hài hước, lầy lội một chút nên dù là thanh niên nghiệm túc nhưng mình vẫn phải thích nghi với cách viết này. Bạn lưu ý là tùy vào yêu cầu của khách hàng, bạn có thể điều chỉnh giọng văn sao cho phù hợp, không nên quá cứng nhắc.
Điều mình khá thích ở thể loại này là có thể đo mức độ hiệu quả thông qua lượt view của video. Dù mình không có quá nhiều kinh nghiệm viết Youtube nhưng cũng đã có vài video đạt hơn 1 triệu view. Sương sương vậy thôi cũng đủ để mình được thưởng thêm chút đỉnh và có thêm niềm vui nho nhỏ. Đặc biệt là nếu bạn muốn làm Youtuber thì công việc này cũng cho bạn thêm kinh nghiệm để làm nội dung sao cho thu hút nữa đấy!
Trên đây là một số dạng content trên MXH khá phổ biến mà mình được trải nghiệm. Hy vọng những kinh nghiệm nhỏ bé của mình giúp bạn được điều gì đó trên con đường chinh phục nghề viết. Nếu muốn giao lưu nhiều hơn, đừng quên comment hoặc tham gia nhóm Xứ sở Content Freelancer với mình nhé!