Nếu bạn là một “tay mơ” và đang nung nấu ý định trở thành một “freelancer”, dù là toàn thời gian hay bán thời gian thì tôi nghĩ rằng việc đầu tiên bạn cần làm chính là trang bị những kỹ năng, kiến thức và cả tư tưởng trước khi dấn thân vào con đường này. Tôi nói thế bởi vì đằng sau lớp vỏ hào nhoáng của “tự do”, “không bị sếp chửi” hay “không gò bó” thì làm freelancer thực sự là thị trường vô cùng khốc liệt. Nếu bạn vẫn tiếp tục muốn cuộc hành trình chông gai này thì xin mời theo dõi bài viết dưới đây!
Kiến thức
Chắc chắn rồi, làm việc gì cũng cần phải có kiến thức vì bạn không thể thuyết phục khách hàng khi chỉ là một trang giấy trắng. Trước khi bắt tay vào sự nghiệp freelancer của mình, hãy trau dồi cho mình một lượng kiến thức nhất định về một lĩnh vực nào đủ để bạn có thể sử dụng nó để kiếm ra tiền. Ví dụ, nếu bạn muốn làm một freelance copywriter, bạn buộc phải nắm được những kiến thức căn bản của việc viết lách, nắm bắt insight khách hàng, lên chủ đề, cấu trúc bài,…Ngoài ra, nếu bạn có thể biết thêm cách đăng bài lên website, quản trị mạng xã hội thì cơ hội việc làm chắc chắn sẽ nhiều hơn. Tương tự với các công việc khác như thiết kế, IT,…bạn cũng cần có khả năng tương đối tốt để “cân” được những yêu cầu của khách hàng.
Một số bạn hỏi tôi rằng nếu còn non kỹ năng, kiến thức thì có thể trở thành một freelancer được không? Thực ra tôi tin rằng vẫn có nơi sẵn sàng đào tạo các bạn, tuy nhiên đổi lại có thể là một mức lương thấp hoặc không lương. Vì tỉ lệ này không cao nên tôi vẫn khuyên các bạn nên trang bị kiến thức trước khi bắt tay vào làm để có thể tự tin deal một mức giá hợp lý cũng như dễ dàng tìm kiếm được các cơ hội việc làm tốt hơn.
Sự kiên trì
Yếu tố thứ hai bạn cần chính là sự kiên trì, bền bỉ gấp nhiều lần so với đi làm toàn thời gian. Nếu như khi đi làm, bạn có các đồng nghiệp, cấp trên hỗ trợ, việc của bạn chỉ cần là làm tốt phần việc của mình thì khi làm freelancer, bạn phải làm hết. Trong đó, bước đầu tiên là khó khăn nhất – tìm kiếm khách hàng. Đại dương mênh mông có rất nhiều cá nhưng có câu được hay không còn phụ thuộc vào kỹ năng và sự kiên trì của bạn. Hãy thử dạo qua những tin tuyển dùng freelancer xem, chỉ sau vài phút đăng tải, số lượng comment có thể lên đến hàng trăm. Đến khi bạn nhìn thấy thì cơ hội để bị người khác giành mất!
Bên cạnh việc tìm kiếm khách hàng, bạn còn cần kiên trì trong việc làm hài lòng khách hàng. So với việc đi làm toàn thời gian thì làm một freelancer sẽ có áp lực lớn hơn vì bạn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho công việc của mình. Khi khách hàng không đồng ý với bài viết/bản vẽ của bạn, hãy bình tĩnh chỉnh sửa đúng ý khách hàng vì bạn không có đồng nghiệp nào để đẩy việc đâu. Không chỉ một lần, thậm chí bạn có thể phải chỉnh sửa đến vài lần. Đó là những lúc sự kiên trì phát huy tác dụng, giúp bạn đi đến tận cùng của công việc và nhận thành quả.
Tôi cũng từng gặp nhiều bạn sinh viên muốn làm freelancer nhưng sau một vài lần bị khách hàng bắt sửa bài viết thì tỏ thái độ bực bội, khó chịu. Một số người sửa cho xong, còn có người tệ hơn thì…biến mất, Cũng là một kẻ đi “viết dạo” nên tôi hoàn toàn hiểu cảm giác mệt mỏi khi bài viết của mình bị khách bắt sửa nhiều lần, nhưng suy cho cùng đó là một phần bắt buộc của công việc. Bạn là bên cung cấp dịch vụ, những gì bạn cần làm là thỏa mãn khách hàng, vậy thôi!
Tính tự giác
Thử tưởng tưởng một ngày bạn không cần đến công sở, không cần chấm vân tay, không có sếp giám sát thì cái gì sẽ giữ bạn lại tại bàn làm việc? Chỉ có thể là tính tự giác của bạn thôi. Dù là bạn làm freelancer toàn thời gian hay bán thời gian thì tính tự giác cũng quyết định rất nhiều tới việc bạn có thể theo đuổi công việc này hay không. Rất nhiều bạn vì không muốn gò bó mà lựa chọn con đường này nhưng lại không thể cưỡng nổi sức hút của mạng xã hội, Youtube nên năng suất công việc chẳng đâu vào đâu. Có người thì được vài hôm nghiêm túc rồi lại sa đà vào những thú vui riêng.
Nếu bạn thực sự muốn trở thành một freelancer và “sống khỏe” với con đường này thì bạn nên rèn luyện tính tự giác ngay từ hôm nay. Bạn không cần phải gò mình làm việc suốt 8 tiếng/ngày ngay từ đầu vì nếu không quen sẽ rất mệt mỏi. Hãy thử tập trung trong khoảng 1-2 tiếng đồng hồ, sau đó thư giãn nhẹ nhàng và tiếp tục làm việc. Tôi áp dụng phương pháp Pomodoro hay còn gọi là phương pháp Quả cà chua. cứ 30 phút một lần là giải lao, vì vậy, tôi vừa có thể làm việc vừa không bị stress. Nếu đang rèn luyện tính tự giác thì bạn cũng có thể thử sử dụng phương pháp này xem sao, biết đâu lại hiệu quả thì sao?
Luôn tìm kiếm cơ hội
Như bạn đã biết, làm freelancer đồng nghĩa với việc bạn phải tự tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình thay vì rung đùi đợi lương như đi làm toàn thời gian. Thông thường, một dự án có thể kéo dài vài tháng hoặc ngắn hơn, vì vậy, bạn luôn phải ở trong tâm thế tìm dự án mới nếu không muốn thất thu trong tháng tiếp theo. Nói cách khác, bên cạnh thời gian làm việc, bạn cũng cần đầu tư thời gian để tìm việc, nộp đơn cho các công ty cần tuyển freelancer. Nếu bạn có sẵn mối quan hệ và được giới thiệu việc làm thì rất tốt, nó sẽ giúp bạn giảm bớt đáng kể thời gian và áp lực. Tuy nhiên, hầu hết freelancer vẫn cần chủ động tìm việc nếu muốn tồn tại trong thị trường này.
Nếu bạn chưa phải là một freelancer danh tiếng được khách hàng tự tìm đến và “dâng” công việc cho bạn thì đừng quên giắt lưng một số địa chỉ website tìm việc cho dân freelancer hay các group tìm việc trên Facebook. Chắc chắn đây sẽ là những công cụ đắc lực giúp bạn sống sót trong hành chính tìm kiếm cơ hội cho riêng mình.
Trở thành một freelancer chỉ là một lựa chọn nhưng sống được với con đường này lại là cả một bầu trời quyết tâm. Hy vọng bài viết nhỏ bé của tôi sẽ giúp được phần nào cho những bạn đang có ý định trở thành freelancer hoặc đã là freelancer nhưng đang mất phương hướng. Ở bài viết lần sau, mình sẽ viết thêm về những yếu tố cần thiết khác để trở thành một freelancer, nếu bạn có câu hỏi liên quan thì đừng quên bình luận để mình có cơ hội giúp bạn nhé!