Chào các bạn, lâu lắm rồi tôi không viết về planner nhỉ? Không phải là tôi không sử dụng loại sổ này nữa, chỉ là tôi quá bận với công việc mới thôi! Hôm nay, trong lúc ghi chép planner, tôi mới chợt nhớ ra và quyết định bật laptop để viết một bài về những thử thách khi mới dùng planner. Nhân dịp gần 6 năm làm bạn với planner và cảm nhận được những thay đổi nhỏ nhất trên hành trình trưởng thành, tôi vẫn muốn nhắn nhủ các bạn hãy thử trải nghiệm một lần, nhất định bạn sẽ không hối hận. Tất nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Để nhận được những thay đổi tích cực, bạn phải trải qua quá trình cố gắng giữ vững thói quen này. Đúng như chân lý “lượng đổi thì chất đổi“, khi bạn dùng đủ lâu, tự khắc bạn sẽ thay đổi mà có khi chính bạn cũng bất ngờ.
Ghi chép mỗi ngày
Daily planner là loại sổ kế hoạch hàng ngày nên đòi hỏi người dùng phải liên tục ghi chép, update tình trạng công việc mới có thể theo dõi được tiến độ. Nhưng thực tế thì không phải ai cũng có thể duy trì thói quen này. Nguyên nhân thì rất đa dạng, nhưng theo trải nghiệm của tôi thì có một số thách thức phổ biến sau đây:
Đầu tiên là quá tự tin vào trí nhớ của bản thân. Đôi khi (hoặc nhiều khi) chúng ta có xu hướng quá tin vào trí nhỡ của mình nên bỏ qua việc ghi chép. Tôi chắc là ai cũng từng có lúc tự nhủ rằng “Mình sẽ không bao giờ quên chuyện này”, nhưng chỉ bẵng đi 1-2 hôm, họ quên tiệt! Tôi cũng từng thế. Biểu hiện rõ nhất là khi học ngoại ngữ, tôi thường tự tin có thể nhớ được từ mới, nhưng thực tế là không bao giờ. Tôi quên nó như chưa từng gặp qua. Vì thế chúng ta quên mất một deadline hay một pending tasks cũng dễ hiểu thôi.
Thứ hai là không quen ghi chép. Cái này là đương nhiên vì không phải ai cũng thích ghi chép, kể cả ghi sổ hay ghi vào ứng dụng. Nguyên nhân này thì buộc phải điều chỉnh từ từ, mỗi ngày một chút để quen dần với việc mở sổ ra take note hoặc bật app lên cập nhật to-do list hàng ngày. Nếu không đủ quyết tâm, kế hoạch cùng planner của bạn có thể phá sản ngay từ bước này.
Cuối cùng, nhiều người quan niệm việc ghi chép không có tác dụng. Thay vào đó, họ bị nghiện cảm giác trì hoãn. Giải thích đơn giản là họ vẫn nhớ có cái task đó và ngày đó giờ đó nhưng họ thích để đến sát deadline mới làm nên việc ghi chép trở nên vô nghĩa. Những người này may mắn vì vẫn trót lọt sau nhiều lần bị dí nhưng nếu không thay đổi, sớm hay muộn cũng phải nhận hậu quả vì thói trì hoãn của mình.
Có thể bạn quan tâm:
- Top 5 món văn phòng phẩm cho dân ghiền tiết kiệm
- Những hãng sổ Việt Nam “ngon-bổ-rẻ” cho dân ghiền Bullet Journal
- Vì sao sổ tay kế hoạch vẫn sống giữa thời đại công nghệ số?
- Những đồ dùng phải có để bắt đầu hành trình Bullet Journal
Loay hoay trong “mê cung” planner
Thực tế thì trào lưu sử dụng planner, bullet journal đã nổi lên từ lâu nên không ít hãng sổ tung ra các sản phẩm liên quan. Với sổ planner, mỗi hãng sổ thiết kế một loại layout khác nhau nên đôi khi sẽ khiến khách hàng bị ngợp vì không biết chọn thế nào. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng với những người thiếu kiên nhẫn, việc tìm hiểu từng hãng sổ, từng layout, chưa kể mức giá, phụ kiện kèm theo cũng là một thử thách.
Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết các hãng sổ đều có hình ảnh chi tiết giới thiệu layout sổ planner nên khách hàng có thể hình dung ra công năng của sổ dễ dàng. Mặc dù không được trực quan như cầm sổ trên tay nhưng cũng phần nào nắm được những phần chính. Bạn có thể vào website chính thức của hãng hoặc cửa hàng official của hãng trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada để biết thêm chi tiết về outline sổ.
Các năm trước tôi cũng có làm những bài review sổ planner mà tôi sử dụng. Năm nay tôi chưa chọn được layout nào ưng ý nên các bạn cứ chọn dần tại: https://shorten.asia/u18yMUpk
Khi nào chọn được cuốn sổ như ý cho năm 2025, tôi sẽ lên review liền nha!
Kiểm điểm bản thân
Sử dụng daily planner không chỉ đơn thuần là ghi chép công việc hàng ngày, nó còn là hành trình kiểm điểm và phát triển bản thân. Nhìn lại thành công thì dễ chịu nhưng nhìn lại thất bại thì không hề đơn giản. Có những kỷ niệm ta chỉ muốn quên đi nhưng việc kiểm điểm bản thân lại có tác dụng giúp ta tránh được những sai lầm tương tự trong tương lai.
Khi sử dụng daily planner, tôi có thói quen đọc lại list công việc hàng ngày, đếm xem có bao nhiêu việc được hoàn thành, bao nhiêu việc phải pending và vì sao phải pending. Ban đầu, cảm giác kiểm điểm bản thân không hề dễ chịu nhưng dù sao cũng chỉ có mình ta với ta nên đâu cần phải xấu hổ với ai. Nên là, cứ chiến thôi!
Nếu bạn cũng có xu hướng khó chịu khi nhìn lại những sai lầm của bản thân thì cứ bắt đầu từ từ. Một cái nhìn bao dung dành cho chính mình sẽ giúp bạn thoải mái hơn khi tiến vào hành trình này. Tôi cũng từng khó chịu khủng khiếp khi thấy những đầu việc chưa được tích “done” nhưng rồi tôi tự hỏi “Ủa, sao phải cáu?”, chẳng phải lỗi do mình hay sao, ơ kìa? Tóm lại bạn là nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng công việc chưa hoàn thành, tiêu tiền quá lố hay ti tỉ những vấn đề khác. Thẳng thắn nhìn vào sai lầm của bản thân mới khiến việc sử dụng daily planner có giá trị.
Không tin vào cách ghi chép truyền thống
Cái này có vẻ tương tự nguyên nhân đầu tiên nhưng tôi sẽ phân tích ở một góc độ khác. Trong thời đại công nghệ phát triển, điện thoại di động trở thành vật bất ly thân, kèm theo đó là rất nhiều ứng dụng thông minh, bao gồm các ứng dụng tương tự planner. Bạn chỉ cần bỏ ra chưa đầy 5 phút để tìm kiếm trên Google Play hay App Store, bạn có thể tìm được cả trăm ứng dụng kiểu này. Tôi không phủ nhận sức mạnh công nghệ nhưng tôi cũng luôn tin tưởng vào phương pháp ghi chép truyền thống.
Theo nhiều nghiên cứu, việc ghi chép giúp nâng cao sự tập trung, cải thiện trí nhớ, kiểm soát cảm xúc tốt hơn và sắp xếp suy nghĩ mạch lạc hơn. Tất cả những công dụng này đều có ích cho công việc và cuộc sống hàng ngày. Ngược lại, sử dụng app điện thoại thì có lợi thế về tốc độ, có thể take note nhanh chóng vì với vài thao tác. Ngoài ra, app cũng rất tiện lợi vì bạn có thể kiểm tra mọi lúc mọi nơi.
Tuy nhiên, đời không như mơ vì điện thoại cũng chứa nhiều yếu tố gây sao nhãng như mạng xã hội, game khiến bạn trì hoãn việc cập nhật planner. Thậm chí, bạn cứ down app planner về nhưng chả mấy khi hoặc không bao giờ mở app. Vậy nên, hãy thử trải nghiệm cách ghi chép truyền thống để xem hiệu quả khác biệt nhé!
Với kinh nghiệm 6 năm dùng sổ planner, tôi tin rằng đây là phương pháp hữu ích để rèn luyện kỷ luật cá nhân. Chắc hẳn bạn cũng hiểu lợi ích của sự kỷ luật, tự giác nên mới vào bài viết này nên tôi hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ phần nào giúp bạn đỡ hoang mang, lo lắng khi bước chân vào hành trình này. Một sự đầu tư nho nhỏ cho cuốn sổ planner sẽ rất xứng đáng nếu bạn vượt qua những 4 thử thách trên. Cố lên nhé! bạn nhất định sẽ làm được!